Sơn hành 山行 – Đi đường núi

Đỗ Mục 杜牧 (803-853) tự Mục Chi, hiệu Phàn Xuyên, thi nhân danh tiếng đời vãn Đường có bài thơ Sơn hànhĐi đường núi, chép trong Phàn Xuyên ngoại tập, vốn có những câu Đình xa tọa ái phong lâm vãn – Sương diệp hồng ư nhị nguyệt hoa …, được thấy viết trên đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn. Sách Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn của Trần Đức Anh Sơn có nhắc đến bài Sơn hành này. Nhưng còn một bài Sơn hành khác cũng được cho là của Đỗ Mục, và cũng từng được đề vịnh trên đồ sứ. Việc đặt cùng tên có lẽ là rất bình thường với những thi sĩ có hàng trăm bài thơ. Chúng tôi tra được bản Sơn hành thứ hai, nhân khi thấy bản đĩa cũng có thể xem là ký kiểu, của một nhà sưu tập từ Nam Định. Chiếc đĩa hiệu Nhược Thâm Trân Tàng 若深珍藏, có hai câu thơ: Đoản phát tiêu tiêu mộ vũ – Trường khâm lạc lạc thu phong. Nguyên văn toàn bài thơ: Gia trú bạch vân sơn bắc – Lộ mê bích thủy kiều đông – Đoản phát tiêu tiêu mộ vũ – Trường khâm lạc lạc thu phong. Tạm dịch nghĩa: Nhà ở nơi núi mây trắng phía bắc – Đường mê chốn cầu nước xanh hướng đông – Búi tóc thưa mưa chiều lất phất – Vạt áo dài phần phật gió thu. Bản thơ tra được, từ một văn bản thời Minh, còn kèm tranh vẽ với đồ án hoàn toàn tương đồng với đĩa. Về ý nghĩa, có thể diễn tả hoặc là thú thong dong tiêu dao của thi nhân, hoặc là sự bâng khuâng của sĩ phu vào tuổi xế chiều. Đây có thể xem là một trong những đề tài Nho gia điển hình vẽ trên đồ sứ ký kiểu, vốn rất được ham chuộng vào thời Nguyễn. Khảo sát dạng đề tài này hứa hẹn còn nhiều điều lí thú.

Xem thêm: Đề tài hoa sen trong trang trí mỹ thuật thời Nguyễn – Khảo sát trên đồ sứ ký kiểu

Xem thêm: Lan Đình tản khúc – Một trong những đề tài Nho gia vẽ trên đồ sứ.

[Ghi chú (Aug 21,2021): Để văn bản hiển thị gọn hơn, các chữ Nho đã được lược bớt]