Chiếc bình gốm Chu Đậu ở Bảo tàng Topkapi Saray

VN-Chu-Dao-1-Topkapi-Saray-Vase

(Nguồn ảnh: http://museum.seaceramic.org.sg/assets/Uploads/VN-Chu-Dao-1-Topkapi-Saray-Vase.jpg dẫn theo R. M. Brown)

Từ trước đến nay, những thông tin phổ thông về dòng gốm Chu Đậu Việt Nam thường nhắc đến sự kiện bức thư của một viên chức ngoại giao Nhật Bản gửi đến Bí thư tỉnh ủy Hải Hưng khi đó, năm 1980, đề cập việc viên chức này khi đến Bảo tàng Topkapi Saray ở Thổ Nhĩ Kỳ đã thấy một hiện vật gốm hoa lam có đề chữ Hán mang nội dung về niên hiệu, địa danh, nhân danh có thể liên hệ đến xuất xứ từ Nam Sách, Hải Dương Việt Nam, và đề nghị chính quyền địa phương giúp đỡ để khảo chứng thông tin trên. Kể từ đó, các nhà nghiên cứu (trước tiên là trong tỉnh) mới bắt đầu chú ý đến điều này và phải đến 3 năm sau mới bất ngờ gặp dấu tích gốm cổ khi đến làng Chu Đậu để tìm hiểu về ”nghề dệt chiếu”…

Về sau, việc khai quật con tàu đắm ở Cù lao Chàm, Hội An với số lượng hiện vật phong phú đã càng tiếp thêm tư liệu khẳng định sự phát triển của dòng gốm Việt này thời đó.

Quay trở lại chiếc bình gốm Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều nhà nghiên cứu đã xác định rằng R. L. Hobson từ những năm 1930 đã mô tả chiếc bình này như một đại diện của gốm hoa lam An Nam. Trước năm 1980 cũng đã có nhiều người khác tiếp cận thông tin từ chiếc bình này cũng như lưu ý xuất xứ Việt Nam của nó. Tuy nhiên cũng từ đó đến nay, cách hiểu những chữ Hán trên bình có khác nhau, trong đó điểm khác biệt nhiều nhất là về 4 chữ 裴 氏 戲 筆 – bùi thị hí bút, nên được hiểu là (người) họ Bùi vẽ chơi hay là (bà) Bùi Thị Hí vẽ. Ngoài ra việc ghi lại thứ tự sắp xếp các chữ cũng có khác biệt.

Trên Internet có thể tìm được một khảo cứu của hai tác giả Nguyễn Quảng Minh và Nguyễn Mộng Hưng (tại đây: http://www.vjol.info/index.php/ncpt-hue/article/view/4245/4056), mà bài viết có kèm theo ảnh chụp rõ phần vai bình cho thấy một số ”chữ Nho”, được các tác giả viết lại theo ”tự dạng (thông thường) và thứ tự đúng” toàn bộ là ”大 和 八 年 匠 人 南 策 州 裴 氏 戲 筆 – đại hòa bát niên tượng nhân nam sách châu bùi thị hí bút”, cùng những phân tích về cách hiểu các ký tự này.

Ngoài ra, còn có rất nhiều trang tin về việc xác định nhân thân bà Bùi Thị Hí, những lời ca ngợi bà Bùi Thị Hí như là tổ của nghề gốm Chu Đậu đồng thời là một nhà hàng hải tài ba…, và cũng có cả những hoài nghi về các thông tin trên.

Sau đây là hình ảnh vai bình, trong bài đã dẫn:

vase-01

Toàn bài còn có thể xem ở đây: 4245-15331-2-PB

Một số hình ảnh gốm Chu Đậu tìm được ở tàu đắm Cù lao Chàm – Hội An: http://www.thingsasian.com/stories-photos/all/1305

***

(Bổ sung thông tin, 01 tháng 07 – 2013)

Catalogue của International Exhibition of Chinese Art tổ chức tại Anh quốc từ 28 tháng 11 – 1935 đến 07 tháng 03 – 1936 bởi Royal Academy of Arts giới thiệu hiện vật này với danh số 1488 (nguồn: http://www.racollection.org.uk/ixbin/indexplus?record=VOL6234)

v0

v1

Trong triển lãm trên, mà R. L Hobson cũng tham gia trong ban điều hành, chiếc bình được xếp vào Gallery VIII, những hiện vật đầu thời Minh. Niên đại chính xác của nó đã được chỉ ra là năm 1450, và được cho là có xuất xứ từ Việt Nam nhưng do người thợ gốm Trung Hoa làm (Made by a Chinese potter in Annam).

Theo bài viết của N. Q. Minh và N. M. Hưng thì bà R. M. Brown từ năm 1977 cũng đã dẫn Hobson và trình bày về minh văn trên bình này, và từ (bản sách in) năm 1988 quan điểm chính thức của bà là người thợ gốm họ Bùi (chứ không phải Trương như Hobson đọc) rất có thể là một phụ nữ. Tuy nhiên bà không trưng ra ảnh chụp toàn bộ phần minh văn, mà chỉ viết lại bằng Hán tự, và theo hai tác giả Việt Nam trên, thứ tự viết lại đó bị sai so với thực tế mà họ thấy ở tại chính bảo tàng cũng như theo những ảnh chụp đã công bố.

***

Bổ sung thông tin (17 tháng Bảy – 2013)

Nguyên văn nhận định của Hobson về hiện vật danh tiếng này, in trong Transactions of the Oriental Ceramic Society, Volume 11, 1933-1934 (Nguồn: http://www.scribd.com/mobile/doc/21288220. Phiên bản cho smartphone, nên bản ảnh copy lại không rõ lắm)

IMG_0216

Có thể thấy rằng Hobson đã rất chú ý đến hiện vật đặc biệt, mà ở tài liệu này ông gọi là ”bottle” chứ không phải ”vase”, bằng sứ (porcelain), và có trôn mộc (không phủ men) quét màu nâu, xuất xứ từ Việt Nam. Tuy nhiên ông không ghi lại bằng Hán tự các chữ mà ông đọc là :”Painted for pleasure by Chuang a workman of Nan Ts’ê-chou in the 8th year of Ta Ho”.
Hình ảnh từ tài liệu nêu trên hay từ bài của N. Q. Minh và N. M. Hưng cũng như một số nguồn khác cho thấy có lẽ đúng là hai chữ ”tượng nhân” được đặt ngay sau cụm ”đại hòa bát niên”, rồi mới đến cụm ”nam sách châu bùi thị hí bút”. Vậy trong cấu trúc đó liệu hai chữ ”bùi thị” có được hiểu khác với cấu trúc ”… nam sách châu tượng nhân bùi thị hí bút” không?

***

Bổ sung thông tin (02 tháng Tám  2018)

Hình ảnh rõ hơn cho thấy thứ tự các chữ ở vai bình (nguồn online – cần kiểm chứng thêm):

p40320165

Có chỗ chép thành “泰和八年南策州匠人裴氏戏笔”. Chữ 泰 không đúng với chữ ghi trên bình 大 (tuy cùng đọc và nghĩa là thái – to lớn), thứ tự chữ cũng sai (và trên bình chắc sẽ không viết lối giản thể 戏笔?).

Ảnh sau (nguồn https://anhsontranduc.wordpress.com), cho thấy mấy chữ cuối của câu đề khoản này:

lung-danh-01

Lại có tư liệu được dẫn cho rằng có chiếc bình khác ghi …Trang thị hí bút …裝氏戲筆. Chắc hẳn là do xuất phát từ việc Hobson lúc đầu đọc Chuang (phiên âm lối Wade-Giles) tức Zhuang 裝 trong khi trên bình thật ra là chữ 裴, nên sau nhiều người nghĩ và viết thành ra vậy. Có một thực tế là nhiều chữ viết trên gốm sứ đôi khi khó đọc rõ nét. Hai chữ 裝 và 裴 viết bằng men màu cũng dễ lẫn. Một thực tế khác là không có điều kiện tiếp cận hiện vật gốc, nên …

Nhiều báo VN từng ca ngợi bà Bùi thị Hí. Có người viết còn lôi bà R. M. Brown vào xác tín điều đó, trong khi bà chỉ xác định rằng người nghệ nhân mang họ Bùi (P’ei 裴) chứ không phải Trang (Chuang 裝), có thể là phụ nữ. Nếu căn cứ cách dịch của bà ghi trong bức ảnh ở đầu bài, người nghệ nhân ở phủ Nam Sách đó là Bùi thị (P’ei Thi, a craftsperson of Nam Sach Phu), vẽ chơi (painted for pleasure) …, chứ đâu phải bà Bùi thị Hí. Lại có bài báo phóng đại rằng chiếc bình Annam này là hiện vật quan trọng nhất ở BT Topkapi???

Một bài trên website của ĐSQ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ (https://vnembassy-ankara.mofa.gov.vn) in bức ảnh sau, với lời chú là “Bình gốm cổ Chu Đậu của Việt Nam trong danh sách hiện vật của Bảo tàng Cung điện Tokapi”

Anh 2-resize

Như vậy BT Topkapi xác định văn tự trên bình chỉ đến người nghệ nhân họ Bùi là nữ giới (the craftswoman Bùi), nhưng vẫn hiểu là vẽ chơi (painted for pleasure) chứ không phải tên Hí. Nghĩa là BT hiểu thị là tên lót kiểu Việt Nam của nữ giới chứ không phải thị là họ tộc. Tuy nhiên tại đây đã xác định rõ thứ tự các chữ.

Không có bà Bùi thị Hí nào từng thi triển công lực thư họa trên chiếc bình này, rồi còn làm thuyền trưởng ngang dọc trên giang hồ. Đến thời điểm này mình tin như vậy. Nhưng tiền nhân họ Bùi ở đất Nam Sách ấy, như đề trên bình, liệu có thể là ai?