Mỹ thuật cổ – Graphic design – 3D

Tranh thủ, không để lãng phí thời gian mùa cấm túc vì dịch Covid.

Mỹ thuật cổ và Graphic design, cùng kỹ thuật mô phỏng 3D và ứng dụng sản xuất ra sản phẩm đa dạng: hoàn toàn không có gì mâu thuẫn nhau.

Ý tưởng không hẳn là mới. Tôi không ngại chia sẻ, tin rằng sản phẩm sẽ hấp dẫn, có chất lượng riêng và… cao. Kế hoạch có rồi. Cần tư liệu, kỹ năng, thời gian và kinh phí. Mức độ đáp ứng của tôi cũng theo thứ tự đó (phương tiện làm việc của tôi toàn đời cổ, nhìn là biết). Mong sớm hết dịch, để chạy tiếp việc.

Tôi sẽ làm một bộ sưu tập độc bản, khoảng 300 nhân vật so sánh, của Kinh kịch và trong Hát Bội, trên chất liệu gì và ở hình thức nào thì đang cân nhắc. Các biến hoá cách điệu nhiều vô kể, nhưng tôi không khai thác ý ấy.

Tuy nhiên, nói trước bước không tới. Đây chỉ là việc tay trái, sẽ làm thôi. Và cần thêm cộng sự, thêm nguồn lực…

Thư trai kết hợp làm… chòi câu cá

Hồi xưa đi học, Thầy có dạy bài “Lậu thất minh”. Ảnh sau là vở mình chép bài từ bảng (những chỗ sai hoàn toàn do lỗi của mình).

Nho gia ngày xưa viết bài minh, ý rằng nhờ cái đạo đức của ta mà nơi ở tuy quê mùa nhưng vẫn tỏa hương thơm.

Mong ước của mình cũng là sẽ đến lúc có một ngôi nhà nhỏ thô lậu quê mùa, ở ven rừng thông và bên hồ nước. Nhà thì chỉ cần nhỏ thôi, nhưng khu rừng và mặt nước (của mình) phải đủ lớn. Lỡ mơ rồi, cứ tưởng tượng.

Hậu sinh như bọn mình toàn phải bon chen với đời, biết chắc rằng đã và sẽ không được đắc đạo, chỉ cố để đừng vô đạo. Nên khi mơ cái nhà nhỏ nói trên thì mình luôn mơ kèm cái vườn hoa vào, chứ bạn gấu nhà mình suốt ngày chê mình… hôi. Hứ, cày cuốc vất vả bao năm, người không hôi mới lạ, thôi đành trồng hoa thêm quanh nhà cho bớt mùi.

Cái nhà nhỏ sau đây là mình thiết kế và làm cho chỗ anh em. Tuy cũng bên hồ nước nhưng chưa đủ phần thảm cỏ trải dài đến một cánh rừng. Vì đất chỉ nhiêu đó. Ha ha “lậu thất” của người ta chứ mình mơ thì vẫn chỉ là mơ thôi.

IMG_7275

IMG_7281

IMG_7350

Mình vốn là dân làm nghề thiết kế. Trong nghề mình, việc phác thảo ý tưởng rất quan trọng. Từ ý tưởng đến hiện thực còn một khoảng cách dài, và có nhiều thay đổi. Ví dụ ở mấy ảnh trên là một ý tưởng chỉ con con may mắn đã thành hiện thực. Mình hy vọng rằng tuy là “lậu thất”, nhưng ngôi nhà nhỏ này vẫn mang một nét gì riêng.

Phác thảo sơ bộ
Phác thảo sơ bộ

Đôi khi có tí thời gian, mình viết lách chút đỉnh về vài lĩnh vực khác mà mình bỏ công tìm hiểu. Nhiều lúc trái ngành. Mình không ngại chia sẻ những phần viết đó lên đây, hay nhiều nơi khác trên mạng Internet từ rất lâu trước đây, vì xem nó cũng như những phác thảo, những ý tưởng thô mộc. Có gì mà phải xấu hổ. Nghề của mình bắt mình cần luôn sẵn sàng nhiều ý tưởng và giải pháp. Tất nhiên hiệu quả đạt được đến đâu là vấn đề khác. Chia sẻ để hoàn thiện. Và có sẵn dự phòng.

Văn của mình (nếu gọi vui những cái mình viết là văn) nó hôi mùi vôi vữa riêng của nghề mình, hẳn nhiên. Lăn lộn công trường riết, mình cứ cẩn trọng và đường hoàng để làm việc thôi.

 

Kinh sơn phiến ngọc 荆山片玉

[Trích từ tư liệu đang soạn của Nguyên Hà. Thông tin trong bài cần thẩm định thêm…]

Kinh Sơn Phiến NgọcMảnh Ngọc Núi Kinh là một hiệu đề có thể gặp trên đồ sứ ký kiểu. Một trong những món già tuổi và đẹp là đĩa vẽ tích Di kiều tiến lí  – Dâng giày ở cầu Di, vẽ cảnh Trương Lương dâng giày cho Hoàng Thạch công.

1. Tóm tắt tích truyện về ngọc núi Kinh: đời Sở Lệ vương 楚厲王 (từ 757-741 trCN), có người thợ đá tên Biện Hòa 卞和 đào được ở (núi) Kinh Sơn viên đá mà biết bên trong là ngọc, nên đem dâng lên. Nhưng các thợ trong kinh thành tâu rằng đó chỉ là đá, tên dân này dám cả gan khinh thường nhà vua. Biện Hòa bị tội chặt chân trái. Khi con Lệ vương là Vũ vương lên ngôi, Biện Hòa lại mang vào tiến vua, tiếp tục bị chặt chân phải. Văn vương là con Vũ vương lên ngôi, Biện Hòa ngồi ở núi Kinh khóc vì không còn đi được nữa, mắt chảy ra máu. Các quan làm sớ tâu lên, vua cho xem xét lại đẽo đá ra, quả trong đúng là ngọc quí. Về sau ngọc ấy được gọi Hòa thị chi bích, đem chế thành ngọc tỷ.

Hiệu đề Kinh Sơn Phiến Ngọc đề khoản trên đồ sứ hàm chứa ý nghĩa sâu xa: viên ngọc thô ẩn trong đá không phải ai cũng nhìn ra, giống như kẻ sĩ phải có duyên mới tìm được minh quân để phò tá, mà nhiều khi trước đó cũng trải qua bao thê lương thảm khốc… Tất nhiên đây là quan điểm trung quân của giới Nho sĩ ngày xưa.

Mình vốn thích hiệu đề chữ Phác 璞 hơn. Cũng là ngọc trong đá. Nhiều món hiệu đề này vẽ khá đẹp, như hiện vật đề tài phượng và ngô đồng, trong sưu tập của ông Đoàn Phước Thuận – Phú Yên…

Bài học rút ra thì tùy mỗi người. Nếu không chắc là có vua sáng tôi hiền, thì kẻ sĩ nên cứ chọn thong dong tiêu dao. Bon chen đem thân vào chốn quan trường, gặp phải bọn gian thần bất tài chỉ giỏi xu nịnh, thì rõ ràng tưởng phúc mà thành gặp họa.

2. Tóm tắt tích truyện về Trương Lương 張良: Trương Lương sinh khoảng trước 250 trCN, mất khoảng 188 trCN, hiệu Tử Phòng, là khai quốc công thần nhà Hán, một trong Hán sơ tam kiệt đã có công phò tá Lưu Bang 劉邦 đánh đổ nhà Tần và tranh hùng với nước Sở. Trương Lương được nhắc đến như người từng chủ mưu hành thích Tần Thủy Hoàng lần thứ ba, việc không thành nhưng trốn thoát được. Tương truyền khi phải ẩn mình ở Hạ Bi 下邳 ông đã có cơ duyên gặp Hoàng Thạch công (thần trong hòn đá màu vàng, nằm dưới chân núi Cốc Thành ở phía bắc sông Tế), và được truyền cuốn Thái Công binh pháp. Nghiền ngẫm và sau dâng binh pháp này cho Lưu Bang, ông đã lập được rất nhiều công trạng hiển hách. Tuy nhiên ông vẫn khiêm nhường, không nhận nhiều vinh hoa về mình, chỉ nhận tước hầu ở đất Lưu, nên còn có danh là Lưu hầu.

Sự tích Trương Lương điển hình cho người Nho sĩ ẩn mình nhẫn nhịn, thiên về hình ảnh người mưu sĩ kiệt xuất chứ không phải danh tướng lừng lẫy võ công. Lê Thánh tông (1442-1497), Lê Quý Đôn (1726-1784) đều từng vịnh thơ về Trương Lương. Uy Viễn tướng công đầy chất Nho sĩ tài tử Nguyễn Công Trứ (1778-1858) cũng làm bài phú Trương Lương, nhắc câu Trí tai Lưu hầu thiện tàng kì dụng của Trình Tử tức Trình Di 程颐 (1033-1107) danh Nho đời Tống. Quan niệm về tàngdụng ấy cũng là quan niệm của Nho gia về xuất xử – ra đời hay ở ẩn, hành tàng – ra làm quan hay náu một chỗ. Như lời Khổng Tử nói với Nhan Uyên 顏淵: Dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng, duy ngã dữ nhĩ hữu thị phù.

Vốn là dân ngoại đạo cả về cổ vật lẫn Hán Nôm, mình đang có thắc mắc: đa phần mọi người khi kể việc Trương Lương ẩn mình đều đọc 下邳 là Hạ Bì, còn nơi Trương Lương nhặt giày cho Hoàng Thạch công thì đọc 圯橋 là Dĩ kiều. Mình đang tạm ghi là Hạ Bi và Di kiều. Vậy nên mới viết kèm là “thông tin trong bài cần thẩm định thêm”…

3. Vài lời nói thêm:

Đây là một ghi chép về vấn đề còn phân vân, nên mình không kèm chú thích hay ghi nguồn dẫn. Những bài tạm xong ở blog này đều cố gắng một cách tối đa ghi chú chính xác nguồn tham chiếu, hầu chia sẻ cho ai quan tâm có thể tự tìm thông tin sâu hơn là phần viết vốn còn hạn chế của mình.

Bài để trên blog cá nhân, nhưng có anh em tình cờ bắt gặp rồi ưu ái chuyển tiếp trên Internet, cũng vui. Chính mình vẫn thường xuyên search tư liệu online. Như vừa rồi tìm thấy món Kinh sơn phiến ngọc khác khá hay của một nhà sưu tập từ Nha Trang , với câu thơ đề khoản Đái bộc bão cầm xuyên thạch kính – Kị lư đạp tuyết việt sơn pha. Tạm dịch: Mang người hầu ôm đàn theo đường đá – Cưỡi lừa đạp tuyết vượt qua sườn núi… Giá có dịp gặp, mình sẽ xin phép được sử dụng hình ảnh đó làm tư liệu cho bài đang soạn của mình.

Cuối cùng, mong rằng nếu ai có nhã ý sử dụng thông tin ở đây như chút nguyên liệu cho các việc khác, thì nên viết lại theo lời văn của họ, để tránh cho họ, cũng là tránh cho thầy mình và mình cùng bạn của mình (vốn là nhóm tác giả của nhiều bài tại đây) khỏi mang tiếng viết trùng lắp nhau. Kiến thức vốn bao la, dù sao chia sẻ nhiều thì có lợi cho cộng đồng hơn là có hại.

[Ghi chú (Aug 21, 2021): Để văn bản hiển thị gọn hơn, các chữ Nho đã được lược bớt]

Tam thai thính triều 三台聽潮

Hồi đó đi học Hán văn, thầy mình có dạy bài Tam thai thính triều – Nghe tiếng thủy triều ở Tam Thai (tức Ngũ Hành Sơn, Quảng Nam). Ảnh sau là vở mình chép bài từ bảng, nếu có chỗ sai thì hoàn toàn do lỗi của mình.

IMG_E5565

Mình chỉ tập tành học Hán Nôm (chứ không phải học tiếng Trung). Gần đây có nhiều tranh luận về việc có nên dạy Hán Nôm ở trường phổ thông, vấn đề này vượt ra khỏi tầm tư duy của mình. Con mình, mình chỉ mong nó học tiếng Việt và tiếng Anh cho giỏi. Hán Nôm thì để lẩm cẩm như bố nó vì cần mà phải mò mẫm thôi. Vả lại, riêng mình hiểu, ví như nói Tam Thai thính triều thì cũng có thể xem là… tiếng Việt cổ. Ai thích đồ cổ thì nhào vào. Tiếng Việt đương đại thì cứ viết Tam Thai thính triều, Thiên Mụ hiểu chung…, tuy nhiên nên chuyển sang viết Fujian, Gansu, Sichuan… thay vì Phúc Kiến, Cam Túc, Tứ Xuyên…, cho phân biệt rõ ràng Việt với Trung, từ từ cũng quen :).

Tiếp chuyện đồ cổ, ấy là bài thơ Tam Thai thính triều từng đề khoản trên tô sứ kí kiểu, được nhận định rằng đặt làm thời chúa Nguyễn (hiệu đề Thanh Ngoạn 清玩 ), và còn có đề trên những món kí kiểu muộn hơn (ví dụ món hiệu đề Bác cổ 博古, trước thuộc sưu tập của chú N. V. Quỳnh – Hội cổ vật TP HCM).

OLYMPUS DIGITAL CAMERAOLYMPUS DIGITAL CAMERA

Phiên âm Hán-Việt: Tam Thai thính triều. Kỳ tú Tam Thai tủng bích phong – Trung hư ngoại hữu bạch vân phong – Tự lai Việt hải văn xuân lãng – Như tại Bà Dương thính thạch chung – Bất đoạn phong thanh bôn bạch mã – Hoàn nghi vũ sắc khởi thương long – Dục tầm thanh mộng hà tằng khán – Hưởng triệt nham tiền kỷ thụ tùng. Đạo nhân thư.

Nguyên văn: 三台聽潮 – 奇秀三台聳碧峰 中虛外有白雲封 自來越海聞春浪 如在鄱陽听石鐘 不斷風聲奔白馬 還疑雨色起蒼龍 欲尋清夢何曾看 響徹岩前几樹松 – 道人書.

Tạm dịch nghĩa: Nghe tiếng thủy triều ở Tam Thai. Núi Tam Thai kỳ thú vươn cao những đỉnh xanh – Bên trong trống mà ngoài có màu trắng bao phủ – Từ khi đến biển nước Việt nghe sóng xuân rì rào – Như ở hồ Bà Dương nghe tiếng chuông đá ngân – Gió thổi không ngừng như tiếng ngựa trắng phi – Ngờ rằng sắc trời mưa làm cho con rồng xanh thức dậy – Muốn tìm một giấc ngủ chưa từng có – Thì nghe âm vang tiếng thông reo bên núi. Đạo nhân viết.

Rất nhiều nhà nghiên cứu nhận định rằng đây là bài thơ của chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725), vốn có Đạo hiệu là Thiên Túng đạo nhân 天縱道人, khi làm thơ thường lạc khoản Đạo nhân thư 道人書. Ngài qui y Phật giáo theo vị thầy là hòa thượng Thích Đại Sán 釋大汕 (hiệu Thạch Liêm 石濂) người vùng Quảng Đông Trung Quốc. Tuy nhiên thầy mình từng nhắc, cần lưu ý giả thuyết đây là bài thơ của hòa thượng Thạch Liêm, bởi vì đã là một chúa Nguyễn mà viết tự lai Việt hải 自來越海 – từ khi đến biển nước Việt, thì cũng hơi khó hiểu.

Mặt khác hồ Bà Dương 鄱陽 là địa danh ở huyện Hồ Khẩu tỉnh Giang Tây Trung Quốc. Ở đó có Thạch Chung sơn 石鍾山 là một danh thắng rất nổi tiếng, mà rìa núi đá vôi về phía nam giáp hồ Bà Dương, sóng nước vỗ vào chân núi vốn có nhiểu lỗ rỗng, nghe như tiếng chuông, nên mang danh ấy. Tô Đông Pha vào năm 1085 đã từng có bài tản văn Thạch chung sơn ký 石鍾山記. Sách Hải ngoại kỷ sự  海外紀事 của chính hòa thượng Thích Đại Sán có viết lại việc ông thăm núi Tam Thai, khi ông đến Việt Nam. Tuy những bài thơ vịnh núi Tam Thai ông làm ghi lại trong sách ấy khác với bài thơ này, nhưng có nhắc một ý mà các dịch giả dịch: Làn sóng biển đập xoi chân núi – Đá lỡ loang cây cối tơi bời… Dù việc dùng điển tích điển cố Trung Hoa trong văn thơ của người Việt là phổ biến, thì việc đặt vế so sánh nghe thủy triều ở núi Tam Thai biển nước Việt như tiếng sóng thạch chung ở hồ Bà Dương Trung Quốc vẫn làm tăng mối nghi ngờ tác giả bài thơ là vị thầy người Trung Quốc. Đối chiếu bài Ải lĩnh xuân vân, vốn đã được xác định đúng là của chúa Nguyễn Phúc Chu, có thể thấy cách so sánh hài hòa, cân bằng hơn: Ngọn núi chót vót ấy (của nước Việt) cũng như đường cheo leo vào (nước) Thục (絕嶺还如蜀道偏 Tuyệt lĩnh hoàn như Thục đạo thiên).

Bổ sung, Sep 19, 2018:

Trong sách Hải ngoại kỷ sự thấy một chi tiết rất nhỏ cũng gọi là có liên hệ, đó là nhắc tới điển tích “mó rận”, trong bài ai điếu tướng quân Nguyễn công vừa qua đời (Gs Trần Kinh Hoà cho rằng người mất đấy là Nguyễn Hữu Cảnh). Tích “mó rận” và “ngã lừa” vốn dĩ những người quan tâm đến cổ vật ĐSKK thời Nguyễn đều biết qua…

Sơn hành 山行 – Đi đường núi

Đỗ Mục 杜牧 (803-853) tự Mục Chi, hiệu Phàn Xuyên, thi nhân danh tiếng đời vãn Đường có bài thơ Sơn hànhĐi đường núi, chép trong Phàn Xuyên ngoại tập, vốn có những câu Đình xa tọa ái phong lâm vãn – Sương diệp hồng ư nhị nguyệt hoa …, được thấy viết trên đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn. Sách Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn của Trần Đức Anh Sơn có nhắc đến bài Sơn hành này. Nhưng còn một bài Sơn hành khác cũng được cho là của Đỗ Mục, và cũng từng được đề vịnh trên đồ sứ. Việc đặt cùng tên có lẽ là rất bình thường với những thi sĩ có hàng trăm bài thơ. Chúng tôi tra được bản Sơn hành thứ hai, nhân khi thấy bản đĩa cũng có thể xem là ký kiểu, của một nhà sưu tập từ Nam Định. Chiếc đĩa hiệu Nhược Thâm Trân Tàng 若深珍藏, có hai câu thơ: Đoản phát tiêu tiêu mộ vũ – Trường khâm lạc lạc thu phong. Nguyên văn toàn bài thơ: Gia trú bạch vân sơn bắc – Lộ mê bích thủy kiều đông – Đoản phát tiêu tiêu mộ vũ – Trường khâm lạc lạc thu phong. Tạm dịch nghĩa: Nhà ở nơi núi mây trắng phía bắc – Đường mê chốn cầu nước xanh hướng đông – Búi tóc thưa mưa chiều lất phất – Vạt áo dài phần phật gió thu. Bản thơ tra được, từ một văn bản thời Minh, còn kèm tranh vẽ với đồ án hoàn toàn tương đồng với đĩa. Về ý nghĩa, có thể diễn tả hoặc là thú thong dong tiêu dao của thi nhân, hoặc là sự bâng khuâng của sĩ phu vào tuổi xế chiều. Đây có thể xem là một trong những đề tài Nho gia điển hình vẽ trên đồ sứ ký kiểu, vốn rất được ham chuộng vào thời Nguyễn. Khảo sát dạng đề tài này hứa hẹn còn nhiều điều lí thú.

Xem thêm: Đề tài hoa sen trong trang trí mỹ thuật thời Nguyễn – Khảo sát trên đồ sứ ký kiểu

Xem thêm: Lan Đình tản khúc – Một trong những đề tài Nho gia vẽ trên đồ sứ.

[Ghi chú (Aug 21,2021): Để văn bản hiển thị gọn hơn, các chữ Nho đã được lược bớt]