Chuyện thứ tư: Đồ sứ Trung Hoa cổ và nghệ thuật Khmer cổ (phần 2, 3)

2. Phần chuyện nghiêm túc

Khoảng năm 2010, tôi soạn vài bài nho nhỏ về nghệ thuật Khmer cổ. Tuy tôi chưa gửi đi đâu nhưng thầy tôi có xem, rồi thầy giới thiệu tôi sang bên Học viện Phật giáo TP.HCM. Ở đó họ đang cần người hướng dẫn cho lớp học về đề tài ấy. Nhưng tôi đã không đến đấy. Lý do đầu tiên, hẳn nhiên (ai cũng biết) là vì trình độ của tôi còn hạn chế. Sau nữa, vì tôi hoàn toàn là người thế tục, luôn nặng gánh lo toan, tôi không định thử bước vào nơi chỉ dành cho những người tu hành.

Lý do thứ ba, khi ấy tôi vừa qua một kiếp nạn. Khi đã gặp chuyện không may mà là ở ngưỡng tử, thì nhiều việc buồn vui trở thành rất nhỏ nhặt. Tôi đã nhẫn nhịn bỏ qua nhiều điều khác thậm chí là xúc phạm mình, học cách nhìn nó thành hài hước, để sống. Từ giờ rảnh tôi sẽ biên dần thành chuyện về những lần á khẩu, vẫn ở góc nhìn có phần hài hước nhẹ nhàng, lưu ở trang này. Còn lúc đó thì tôi chỉ tập trung vào việc, như ông bà ta hay nói, là toàn lực lo “kéo cày trả nợ”. Không sân si nhưng cũng không theo được lời giới thiệu của thầy (PGS TS Phạm Anh Dũng) để vào cửa Thiền.

3. Chuyện á khẩu không biết bi hay hài, liên quan món sứ trên và nghệ thuật Khmer cổ

Thời gian thấm thoát thoi đưa và khoảng năm 2020, tôi nghĩ mình cũng có lại chút cảm hứng để tìm tòi kiến thức mình quan tâm theo lối hệ thống hoàn chỉnh hơn, hy vọng từ đó may ra đóng góp cho xã hội chút gì hữu ích hơn là công việc thường nhật. Tôi thử làm vài đề tài nghiên cứu nhỏ (vì đã tích lũy nhiều loại tư liệu), trong đó có đề tài về nghệ thuật Khmer cổ. Với thiện chí và chân tình, nhiều đồng nghiệp giới thiệu cho tôi các tài liệu tham khảo khác nhau. Có một cuốn sách nọ tôi mở ra xem lướt nhanh, thì ô kìa, có ảnh một món đồ trông quen quen. Đúng là ảnh mình chụp, chụp món hiện vật của mình. Chính là món tôi ghi ở đầu bài này. Và có cả mấy ảnh khác thuộc một bài báo của tôi. Tôi từng post lên blog bản thảo bài này (mà đã được in chính thức từ 2010, xem ở đây -> Hoa sen ).

Trước tiên tôi thấy vui vui, hóa ra nhiều bạn cũng thích món cổ vật nhỏ xíu của tôi. Nhưng sau đó, từ cảm giác vui vui chuyển thành… bâng khuâng. Rõ ràng là các ảnh y như bài báo đã đăng của tôi, mà các tác giả sách không biết lấy từ đâu, không ghi cho một dòng về trích nguồn. Tôi liền đọc sách kỹ hơn. Và tôi thấy nhiều trang (>10) trong ấy nó có những phần khớp hoàn toàn với một bài phác thảo khác mà tôi tự “xuất bản” trên blog. Tôi đoán các tác giả (tôi không quen) khi search tư liệu dùng vào nghiên cứu và tình cờ gặp bài ấy có khi họ nghĩ rằng ghi “nguồn: Internet” hay “ảnh: tư liệu” là xong nên không thèm truy gốc, rồi họ đã ghi nguồn y như nguồn của lão Nguyên Hà ghi (chẳng hạn: sách … của Chan Vitharin) chứ thực sự họ chưa chạm vào nguồn ấy. Tôi đã coi như đó là chuyện anh em lu bu rồi sơ suất. Mong lần sau có dịp hiệu chỉnh sách, họ cẩn trọng hơn (hãy nghĩ đến việc cư xử đúng mực với nguồn tin, vì biết đâu ta có dịp gặp nhau). Nhưng thực sự tôi nghẹn lời, là vì cái tình cảnh trớ trêu của mình. Thứ nhất, biên bài rồi tự đăng online, giờ đáng kiếp, được giới thiệu tham khảo tài liệu mà ngược lại trong ấy họ lại mượn chính tư liệu của mình. Thứ hai, mình đã bị đặt trong logic hình thức (lão Nguyên Hà này chỉ ở SG, người Kinh (chắc 90%), thì hẳn không biết gì nhiều về Khmer). Tôi đã còn chờ tiếp điều thứ ba, có thể phải nghe nhiều bạn lứa sau chỉ dẫn mình làm phần việc chuyên môn mà mình rất quen (còn các bạn ấy chưa quen, điều này định lượng được) như thế nào.

Tất nhiên tôi hiểu rằng có rất nhiều điều hay về các lĩnh vực khác nhau vượt xa hiểu biết luôn là có giới hạn của tôi, mà chính mình cũng đầy khiếm khuyết về kiến thức, nên mình cần tôn trọng, học hỏi đồng nghiệp và mọi người khác, luôn lắng nghe những lời góp ý. Mình đã chọn lối đi phù hợp nhất cho mình và không chen vào phần không dành cho mình. Nhưng tình cảnh trớ trêu như trên cũng đã làm á khẩu.

Dù sao rồi tôi đã được hỗ trợ để các công việc trong dự kiến ấy hoàn thành, mà cá nhân tôi hay nhóm không có gì để phải xấu hổ về kết quả. Các tình huống phát sinh bất ngờ kể trên không có chút ảnh hưởng nào đến sự đàng hoàng và minh bạch của chúng tôi.

Nhưng mà đã và sẽ có những lần á khẩu khác, lại trong các bối cảnh đều có phần liên quan nhau mới độc địa. Xưa thì một điều nhịn chín điều lành. Nay một điều nhịn là chín điều nhục. Đến mấy lần nhịn thì cáu chứ nhỉ.

Leave a comment