Kiến trúc tháp trong chùa Khmer vùng Hạ lưu sông Mekong Việt Nam

Bài đã đăng trên Tập san Cổ Ngoạn – Hội Cổ vật TP.HCM (Số 33, Tháng 06-2021).

Trang bìa và mục lục của Tập san đã ghi nhầm tên bài thành “Kiến trúc Pháp…”. Chúng tôi xin phép được đính chính và cáo lỗi.

Chuyện thứ tư: Đồ sứ Trung Hoa cổ và nghệ thuật Khmer cổ

[Chuyện nọ xọ chuyện kia, hay về những lần á khẩu bi hài của lão Nguyên Hà. Gọi đại lần này là chuyện thứ tư chứ nhiều lần quá nhớ không hết]

1. Phần chuyện đàng hoàng

Món đồ sứ cổ trong ảnh sau là thuộc sở hữu của tôi. Tôi mua bằng tiền túi từ công sức lao động cực nhọc (nên phải hiểu là món ấy nó rất… rẻ, chỉ gọi là tiêu bản đã vỡ). Vì tin nó là món sứ loại nung 3 lần, nên tôi e ngại khi tẩy trắng không đúng cách sẽ làm hỏng lớp men nhiều màu cùng lớp màu nhũ vốn nung nhẹ lửa (tức với nhiệt độ nung thấp), và đành chỉ rửa nó bằng nước sạch rồi để vậy từ đó (chắc khoảng năm 2008) cho đến nay.

Về nghệ thuật Khmer cổ, tôi cũng dùng tiền túi từ công sức lao động cực nhọc, đi Cambodia đôi ba lần, để mong tự mở mang hiểu biết hạn hẹp của mình, học hỏi về nghệ thuật Angkor. Tự học hoàn toàn chứ không ai chỉ vẽ cho mình. Nhưng có chút may mắn. Một lần tôi tìm gặp được thầy Tum Sarem, khi ấy là Phó hiệu trưởng của Trường đại học Mỹ thuật Hoàng gia, và thầy Chan Vitharin, tác giả khảo cứu về Kbach Khmer đã in thành sách – cuốn sách mà tôi hâm mộ. Các ảnh sau là chụp cùng hai thầy ấy. Tôi đã được dịp bày tỏ sự thán phục của mình, đồng thời cũng xin phép được tham khảo cuốn sách ấy của các tác giả Chan Vitharin và Preap Chanmara trong công việc liên quan.

Nhưng một món đồ sứ cổ Trung Hoa bể nát sở hữu cá nhân và nền nghệ thuật Khmer cổ kỳ vỹ thì có gì liên quan đến nhau, và từng làm lão Nguyên Hà là tôi á khẩu? Chuyện này để từ từ kể sau.

Trước hết xin phép được giới thiệu 2 khảo sát gần đây, rất đàng hoàng và có liên quan 2 chủ đề trên, của tôi và đồng sự, hầu mong ai có dịp cầm xem đến nó thì quan tâm ủng hộ khích lệ hoặc góp ý phê bình… nhằm giúp giảm thiểu các sai sót sơ suất khó tránh, để chúng tôi có điều kiện hoàn chỉnh mở rộng thông tin dần thêm.

Một số phần như là phác thảo của vài nội dung trong các chủ đề ấy cũng đã từng được in chính thức và cả không chính thức, nhằm thu thập thêm các ý kiến nhận xét. Xin xem thêm ở đây -> Hồ sơ lưu .

(còn tiếp…)

Tác phẩm Sắp đặt – Tương tác “HỒ TRÊN NÚI” (Triển lãm “Lễ hội Mỹ thuật Ko-Viet 2023”)

Kích thước (phần tác phẩm): 1,32m x 1,32m x 0,2m, và không gian tương tác (với bàn để họa cụ, ghế ngồi, …)

[^ Phác thảo 3D]

Chất liệu: bút chì, nguyên liệu trang trí bút chì (màu acrylic, màu vẽ gốm, màu tempera, màu poster, băng keo màu,…), hạt thuỷ tinh màu, tấm ván nền HDF (sẽ được hoàn thiện bề mặt sau khi có đủ phần tương tác tham gia từ cộng đồng)

[^ Nguyên liệu cho tương tác]

Tác giả thiết kế ý tưởng: Hà Việt Hùng.

Nhóm tác giả thực hiện: Hà Việt Hùng, Trần Thị Hải, Nguyễn Văn Thấy, Nguyễn Văn Bừng – với sự hỗ trợ từ các thầy cô ở Art Space, HCMUFA.

[^ Sắp đặt chờ tương tác]

Tác giả của tác phẩm sau cùng: Tất cả khách mời, thầy cô, sinh viên… tham gia tương tác với tác phẩm.

[^ Trân trọng cảm ơn các vị khách mời, quý thầy cô đồng nghiệp… đã quan tâm và khích lệ nhóm tác giả]

[^ Chân thành cảm ơn các bạn sinh viên đã quan tâm và rất nhiệt tình tham gia, ủng hộ]

[^ Mỗi bút chì đã trang trí đại diện cho một người tự chủ, và như là đồng tác giả tham gia vào tác phẩm]

Vì tác phẩm sắp đặt – tương tác được dàn dựng trong vòng quản trị của tác giả và cộng sự, tại môi trường mỹ thuật, nên hiệu quả đã đạt được, ở ý niệm về việc gắn kết mọi người và khơi gợi những sáng tạo từ tố chất nghệ sĩ tiềm ẩn trong mỗi cá nhân, là đúng như mong đợi và cũng có thể tạm xem đó như một thành công (theo nhận định chủ quan)…

KÝ HỌA TRÊN MÁY TÍNH BẢNG, VÀ…

Nghe có vẻ ngược đời, nhìn thì sơ sài, nhưng “bức vẽ” sau đây là ký họa theo cách hiểu của cá nhân tôi, nghĩa là do quan sát trực tiếp, suy tính góc độ không gian thích hợp về phần sự vật sẽ “phối” lên bức vẽ, rồi vẽ lên màn hình cảm ứng. Dù vẽ máy thì vẫn luyện 3 kỹ năng đồng thời: quan sát, tính toán và… vẽ tay. Vẽ bút mực trên giấy hay vẽ bút cảm ứng trên màn hình với tôi không khác nhiều.

[ ^ Ký họa vẽ trên máy tính bảng, của tôi ]

[ ^ Đây là khung cảnh thật ở nơi ấy ]

Ngày nay cũng có người dùng cách chèn một ảnh vào layer xếp dưới rồi vẽ theo đó lên layer xếp trên. Nếu khéo léo kiểm soát cỡ nét và hành trình của nét, bức vẽ cũng trơn tru và gọi là có nghề. Nhưng cũng nhiều “tác phẩm”, khi vẽ xong, nhìn nét thì cứng đơ, và hành trình của nét bị thiếu (tắt layer nền đi là lộ rõ ra ngay, nếu vẽ trực tiếp thật chẳng ai lại dừng nét ở chỗ ấy, mà nó phải thuận tay vẽ đi tiếp theo cấu trúc hình thể), nên nhìn là biết ngay bản chép đè. Chưa kể có những bản chép ảnh ở nhiều cách thể hiện khác, vì là cái ảnh xấu, và ảnh bị sai so với thị giác thật do lỗi của các app trên thiết bị di động tích hợp máy ảnh, mọi thứ bật lộ ra.

Tất nhiên ký họa thực tế về cơ bản mới chỉ là tư liệu. Tôi chủ đích luyện vẽ sao cho nhanh, và luyện cách nhìn có ý đồ nhất định về sắp xếp phối cảnh.

Kỹ năng tôi tập cho mình: luôn hiểu vẽ ký họa là biểu – gợi khối chứ không phải “dựng hình” (cách dùng từ kinh viện của mỹ thuật), và sẽ vẽ chồng nét, lớp sau rõ và kỹ hơn lớp trước, chứ không mất công tẩy xóa. Nên tôi vẽ luôn bằng bút mực (ấy là nói về vẽ giấy). Khi lười thì chỉ dùng 1 cái bút. Kỹ thì 3 cái (để dễ kiểm soát cỡ nét và độ đậm của mực) là cũng dư cho ký họa. Tôi không có ý nói phương pháp này dở hay hay, chỉ nói đây là thói quen riêng của tôi. Mục tiêu là trong thời gian ngắn ở thực tế mình có được nhiều bức vẽ tư liệu nhất. Bởi khi về nhà còn bao việc khác phải làm, tôi chẳng bao giờ lấy một cái ảnh ra rồi vẽ lại theo đó để gọi là “vẽ theo thực tế” (đã thế thì để máy và các app nó “vẽ”). Tôi cố gắng có một phác hoạ từ thực tế tuy có thể còn sơ sài (thậm chí bị xem là xấu), nhưng đã lồng chút ý riêng về sắp xếp khung cảnh. Có thời gian thì tôi sẽ chỉnh thêm dần trên ấy, để lấp bớt khiếm khuyết.

Có những họa sĩ tài năng, dù chỉ ký họa nhanh thì bức vẽ của họ đã mang đậm chất tạo hình đặc sắc (và đẹp). Ai theo nghề vẽ cũng tập luyện để mong có thể đạt đến độ chín ấy. Tôi thì không dám nghĩ về kỹ năng này, mà chỉ quan niệm ký họa là tư liệu cá nhân hoá, để sao cho không bức vẽ nào giống nhau. Tất nhiên tôi sẽ dùng nó vào công việc kiểu của mình.

Vẽ tranh ư, không phải khó và chẳng có gì ghê gớm. Nhưng để trở thành họa sĩ giỏi (và nổi tiếng) thì lại khác, không phải là chuyện khó hay không khó và muốn hay không muốn nữa. Trước hết, bạn cần thử sống tốt nhờ tranh, xem sao (và thú thật mới điều này thôi đã là ngoài khả năng của tôi rồi).

Có một chuyện không hay từng xảy đến, và tôi quyết định… treo bút. Treo bút (mực) không ký họa nữa, chứ không phải bỏ bút. Đồ dùng của mình, vốn quen thuộc, mình quý nó, sao mà quẳng bỏ được. Với cả, nghề thiết kế tôi làm là nghề cần phác họa liên tục, bút luôn ở trên tay. Tôi có nói vui với một bạn mình, là họa sĩ: bạn vẽ tranh treo lên thì đẹp đấy, nhưng chắc cũng phải cần thời gian để tác phẩm đến với công chúng, và có người mua. Mình phác họa thôi, mà nếu “bán được” nhanh các bản phác thiết kế ấy, thì mình sẵn sàng bằng lòng với bút mực, còn màu với tranh cứ để… hẹn sau vậy.

May có cái máy tính bảng, xem như tôi vẫn duy trì được sự luyện tập mà không phạm “lời thề” xưa, khi nay mình chỉ cầm bút cảm ứng 🙂 .

Hôm nay tôi thử lồng vài ký họa bút sắt cũ vào khung mà nhà có sẵn, phòng xa khi giấy để rải rác trong các tập hồ sơ khác nhau chẳng may nó sẽ hư hỏng, thất lạc… Trong các ảnh sau thì phần khung bo là tạo trên ứng dụng máy tính, nhưng khung thật cũng y như thế. Nhìn lại một lần, để rồi sẽ xếp chúng vào thùng và… cất hẳn đi. Thế cũng là ý mang nghĩa “Tĩnh” của tôi.

Chỉ là chuyện ghi lại cho khỏi quên, khi mà màu vẽ (sơn dầu) thì đã mang tặng bạn hết, từ năm ngoái. Bút thì nhà hiện vẫn còn một ít…