NGOÀI CHIẾC HỘP

Thường có những ranh giới hữu hình hoặc vô hình, mà ta tự đặt mình vào hay bị đặt vào.

Ví dụ về hữu hình, chẳng hạn một hàng rào bằng kẽm gai mà chính ta dựng nên, nghĩ rằng nó sẽ giúp yên tâm trong việc bảo vệ cho khu vườn nhà mình, và bảo vệ ta khi ta ở trong đó.

Nhưng ở ngoài hàng rào ấy, ngược lại, liệu người khác có lại cảm thấy họ luôn an toàn trước… ta, kẻ đang bị (tự) giam trong lưới rào?

Ví dụ về vô hình, là những giới hạn trong nhiều mối giao tiếp, mà ta tự hình dung trong tâm trí để hòng có giải pháp phòng vệ cho các quan hệ xã hội…

Còn những trách nhiệm mà ta phải gánh vác, nó là vô hình hay hữu hình?

Có những người mong ước thế gian luôn tươi đẹp, họ hài lòng với ngôi nhà – ốc đảo xinh xắn của mình (“chiếc hộp thứ nhất”), yên tâm nằm ngủ trong yên bình.

Có những người tin rằng thế gian đầy bất trắc, họ ngồi suy ngẫm về các mối hiểm nguy và dựng nên thành trì nhằm bảo vệ mình (“chiếc hộp thứ hai”), trong khi cũng cố tìm cách hoàn thiện mình để ứng phó.

Và có những người sẵn sàng đối mặt với những khó khăn thách thức, luôn dám đứng lên để bước tới, mở những cánh cửa (“chiếc hộp thứ ba”) nhằm tìm kiếm những điều mới mẻ.

Dù có khi bước ra khỏi giới hạn này (ra “ngoài chiếc hộp”) thì vẫn còn trong một hay nhiều giới hạn khác, hành trình trải nghiệm vẫn luôn đem đến ý niệm về sáng tạo và tự do…

Tác phẩm Sắp đặt – Tương tác “Ngoài Chiếc Hộp” – Triển lãm 5 năm Điêu khắc Toàn quốc 2023:

Mỗi bút chì thô, khi được trang trí và gài đứng thẳng, tượng trưng cho một con người tự chủ, trong thế giới vốn đa dạng và phong phú “ngoài chiếc hộp”.

Những cây bút vốn thường dùng để ghi lại, viết ra, vẽ, nói lên những điều tốt đẹp, đem đến tri thức…

Tương tác đại chúng: dùng băng màu dán trang trí lên bút chì (đã được gài trên lưới lỗ bên ngoài ba chiếc hộp), viết một thông điệp, danh tính …

… hoặc vẽ trang trí trực tiếp lên bút chì, và gài lại vào lưới lỗ …

Sau khi được tương tác trang trí và sắp ngẫu nhiên, bút sẽ còn được các tác giả bày lại. Khi ấy phổ màu của vỏ bút, cao độ bút và khoảng cách trên lưới sẽ tương đương với các nốt nhạc, cường độ, trường độ… Sự phong phú của trang trí màu và hoạ tiết tạo ra sắc thái khác nhau của bút – như những âm sắc. Tất cả sẽ gợi nên những giai điệu. (Giai đoạn tiếp theo của tác phẩm, sẽ thiết kế luồng ánh sáng di chuyển theo dải bút đã được sắp đặt lại và âm nhạc phát theo. Giai điệu và nhạc đề tương ứng theo các chủ đề sắp đặt, và lúc này khái niệm tương tác sẽ ở hình thức khác…)

Tác phẩm khi mới được bày trong triển lãm đã thiếu đi phần bài trí sẵn chờ tương tác [nguồn ảnh: từ clip của Bảo tàng Hà Nội].

Khách xem tự đọc các ghi chú hướng dẫn và thử nghiệm không chỉ phần trang trí bút chì mà còn tham gia sắp đặt, như vai trò đồng tác giả [nguồn ảnh: Báo “Văn hoá” online].

Tương tác từ một khách xem [nguồn ảnh: từ clip … @ oanhbo.color]

Tương tác đại chúng đã giúp cho tác phẩm dần thành hình [nguồn ảnh: Thu Trang]

Tác phẩm khi gần kết thúc triển lãm [nguồn ảnh: từ clip … @ thieenminh03].

Leave a comment