Mỹ thuật cổ – Graphic design – 3D

Tranh thủ, không để lãng phí thời gian mùa cấm túc vì dịch Covid.

Mỹ thuật cổ và Graphic design, cùng kỹ thuật mô phỏng 3D và ứng dụng sản xuất ra sản phẩm đa dạng: hoàn toàn không có gì mâu thuẫn nhau.

Ý tưởng không hẳn là mới. Tôi không ngại chia sẻ, tin rằng sản phẩm sẽ hấp dẫn, có chất lượng riêng và… cao. Kế hoạch có rồi. Cần tư liệu, kỹ năng, thời gian và kinh phí. Mức độ đáp ứng của tôi cũng theo thứ tự đó (phương tiện làm việc của tôi toàn đời cổ, nhìn là biết). Mong sớm hết dịch, để chạy tiếp việc.

Tôi sẽ làm một bộ sưu tập độc bản, khoảng 300 nhân vật so sánh, của Kinh kịch và trong Hát Bội, trên chất liệu gì và ở hình thức nào thì đang cân nhắc. Các biến hoá cách điệu nhiều vô kể, nhưng tôi không khai thác ý ấy.

Tuy nhiên, nói trước bước không tới. Đây chỉ là việc tay trái, sẽ làm thôi. Và cần thêm cộng sự, thêm nguồn lực…

Phỏng cổ

Ông Jan-Erik Nilsson, trong bài “10 nguyên tắc đối phó với đồ (gốm sứ cổ) giả mạo” (xem bản dịch của Đông Vy), cho chúng ta vài “gợi ý nhỏ”. Gợi ý thứ 3 của ông là “Tìm kiếm những khiếm khuyết”, trong đó ông giải thích bởi những người sao chép chỉ tiếp cận được với ảnh chụp nên anh ta có thể không biết đằng sau món cổ vật hay đáy của nó thực sự có gì, hay hiệu đề thực sự thế nào, và anh ta có khả năng sẽ thêm thắt vào bản sao một chi tiết hoàn toàn không đồng nhất theo niên đại của món đồ thật. Nhưng khả năng tiếp cận với món đồ đã được xác định thật của chúng ta đến mức độ nào, theo cách nào? Và ngoài ra, liệu ta có đủ hiểu biết, chẳng hạn về từng giai đoạn lịch sử, để dù phát hiện chỉ một xíu khiếm khuyết sẽ chắc chắn xác nhận món đồ là giả mạo? Hẳn nhiên gợi ý thứ 6 – “Kiểm tra bằng tay” và gợi ý thứ 7 – “Thăm bảo tàng và mua sách” là điều cần làm. Gợi ý thứ 10 khá thú vị – “Phạm sai lầm” để có thêm hiểu biết và cũng là “một phần của niềm vui”…

Ở dưới đây so sánh hình ảnh những món sứ phỏng cổ (chứ không phải là giả mạo) với nguyên mẫu đã xác định niên đại và khi có thể sẽ so sánh hiện vật chuẩn với một vài bản khác mà về hình thức cũng theo kiểu món cổ vật ấy. Không bình luận, công việc này chưa hẳn đã đưa lại thêm hiểu biết rõ ràng nào, mà nếu có chút sai lầm, thì xem như là thực hành gợi ý 10 của Nilsson thôi.

1-A-01, Cảnh Đức Trấn phỏng cổ

1-B-01, hiện vật ở Tokyo National Museum (TNM). Lạc khoản đề : Phương nhị kinh thì tuyết lí khai. Vẽ hoa mai (mai mơ, hoa màu trắng hay hồng, khác với mai vàng Việt Nam).

1-B-02, mặt sau hiện vật ở TNM, hiệu đề Ung Chính trong khung vuông.

1-C-01, một bản khác lưu hành trên thị trường

1-C-02

2-A-01, Cảnh Đức Trấn phỏng cổ

2-B-01, hiện vật ở Bảo tàng Thượng Hải

2-B-02, mặt sau – Đại Thanh Ung Chính niên chế

3-A-01, Cảnh Đức Trấn phỏng cổ

3-B-01, hiện vật ở Bảo tàng Thượng Hải

3-B-02, đáy ghi hiệu đề Khang Hi, hiện vật ở BT Thượng Hải

4-A-01, Cảnh Đức Trấn phỏng cổ

4-B-01, hiện vật ở TNM, niên đại tk 16

5-A-01, Cảnh Đức Trấn phỏng cổ

5-B-01, hiện vật ở National Palace Museum Đài Loan, niên đại Thanh – Càn Long

6-A-01, Cảnh Đức Trấn phỏng cổ

6-B-01, hiện vật ở NPM, niên đại Minh

7-A-01, Cảnh Đức Trấn phỏng cổ

7-B-01, hiện vật ở NPM, niên đại Thanh – Càn Long

7-B-02, hiện vật ở NPM, Thanh – Càn Long

8-A-01, Cảnh Đức Trấn phỏng cổ

8-B-01, hiện vật ở NPM, niên đại Thanh – Càn Long

9-A-01, Cảnh Đức Trấn phỏng cổ

9-B-01, hiện vật ở NPM, thời Minh

(còn tiếp)

Men phấn thái

Loại hình men phấn thái 粉彩 trên đồ sứ cổ Trung Hoa được cho là xuất hiện vào năm Khang Hi thứ 52 (1713). Phương Tây hay dùng thuật ngữ famille–rose để gọi dòng đồ sứ này. Nhưng nếu được chuyển ngữ sang tiếng Việt, famillerose thành “toàn hồng”, thì hoàn toàn không rõ nghĩa so với bản chất của kỹ thuật này. Trong kỹ thuật chế tác đồ sứ men phấn thái, trước hết phôi đã có men áo (dứu 釉 – e. glaze) và được nung lần đầu, rồi các đường nét của hình mới được vẽ lên. Sau đó cả phần nền và hình được được phủ men (e. enamel) loại pha lê bạch 玻璃白 (tức thạch tín – e. arsenic có pha trộn thêm chì, kali) và vẽ các chất men màu. Loại hình men phấn thái có liên hệ với loại hình men pháp lang thái 琺瑯彩, do cũng sử dụng pha lê bạch, mà sau khi nung chảy sẽ cho lớp men trắng đục không thấu quang. Với men phấn thái, pha lê bạch khi bị nung chảy sẽ hòa với các men màu, các màu sẽ bị phấn hóa 粉化. Kết hợp với kỹ thuật vẽ, sẽ có sự chuyển tiếp màu sắc và độ đậm nhạt rất linh hoạt, cho phép thể hiện được nhiều đề tài hoa mỹ. Cũng bởi thế mà phấn thái còn được gọi là nhuyễn thái 软彩. Ngoài ra sau khi nung lại hoàn thiện (ở nhiệt độ 600 – 900 độ) sẽ thấy bờ cong của men ở giữa chỗ các nét – men màu tiếp giáp nhau. Kỹ thuật này khác và công phu hơn lối vẽ hình nhiều màu đơn sắc trên men như kiểu ngũ thái 五彩, đấu thái 斗彩, cũng khác với lối vẽ nung ba lần men dương thái 洋彩 cầu kỳ hơn. Tuy nhiên liên kết giữa men màu và phôi sẽ bền.

Đồ sứ men phấn thái được chế tác từ thời Khang Hi liên tục cho đến thời Tuyên Thống (1908-1911), ngày nay đều có thể xem là cổ vật. Ngoài giá trị lịch sử nhất định, đa phần đều mang tính thẩm mỹ cao về họa pháp bởi sự công phu về tạo hình cũng như sự khéo léo gia giảm các hỗn hợp men màu trước khi nung. Rõ ràng hiện tại cũng còn có sự hiện diện của đồ sứ dùng kỹ thuật men phấn thái nhưng không cổ (vì mới được chế tạo theo kỹ thuật men màu kiểu xưa), và đồ sứ giả men phấn thái đồng thời giả cổ.

Người chơi cổ ngoạn ở Việt Nam quan tâm đến đồ sứ cổ, nếu không đủ thông tin cũng như không có điểu kiện tiếp xúc với những món cổ vật thật sự giá trị, sẽ rất có thể sa vào tình huống, hoặc là phải nghe ca ngợi tất tật những gì được cho là gắn với nghề gốm sứ Trung Hoa, hoặc bị cường điệu về giá trị của những vật phẩm đã sưu tầm, hoặc tệ hơn là vướng phải những món chỉ là ngụy phẩm. Còn người Trung Hoa thì vẫn luôn hoan hỉ, vì rõ ràng có khả năng để chi phối được thị trường cổ vật trong lĩnh vực gốm sứ, hay ít ra là cũng quảng bá phần nào đặc trưng văn hóa của mình. Tuy nhiên vấn đề đó hơi xa quá so với mục tiêu kỹ thuật của ghi chép này, nên để kết thúc, ta thử xem hình ảnh vài món phấn thái kinh điển: chiếc bình vẽ ngàn hoa (mille fleurs) trong sưu tập Grandidier, bảo tàng Guimet và hộp nhỏ mang hiệu đề Đại Nhã Trai, vật dụng vốn của Từ Hi thái hậu, hiện vật của Bảo tàng cố cung Đài Loan.

(1)

(2)

^ Hình 1, 2: Hộp men phấn thái, hiện vật ở Bảo tàng cố cung, Đài Loan [nguồn ảnh: http://masterpieces.asemus.museum]

(3)

^ Hình 3: Bình “mille fleurs”, hiện vật của Bảo tàng Guimet [nguồn ảnh: http://www.guimet.fr%5D

(4)

(5)

(6)

(7)

^ Hình 4, 5, 6, 7: Chi tiết bình “ngàn hoa” [ảnh: Dalbera J. P.]