Bình vôi của mình

Đúng là ngạc nhiên, mấy cái bình vôi gốm Quảng Đức nho nhỏ của bạn Nguyên Hà (xem ở đây -> bình vôi) đã từng “lên báo”, mà chủ nhân không hề biết.

Rất tình cờ gặp bài báo này, tại đây -> https://www.sgtiepthi.vn/vang-son-mot-thoi-cua-dong-gom-co/ . Đọc thấy bài thuộc chỉ mục Báo Xuân, từ 2015, không rõ là có in trong báo giấy không. Vậy chứng tỏ bạn Nguyên Hà chụp hình không đến nỗi tệ nên các nhà báo tín nhiệm ảnh chụp (và hiện vật) của mình, xem như đã “lăng-xê” dùm sưu tập này :).

Mình còn bộ sưu tập đèn nho nhỏ (xem ở đây -> đèn dầu), tính để dành lúc nào bị đuổi việc thất nghiệp thì mở cái quán cà phê cũng nho nhỏ, Quán đèn dầu chứ không phải đèn mờ nhe, bán cà phê chứ không bán nước nhe, Quán gỗ cùng đất và nắng chứ không phải quán nước và gió nhe, để có chỗ giao lưu bạn bè. Sẵn quảng cáo tiếp thị với Sài Gòn từ bây giờ luôn :).

Định diêu – Gốm “Ding”

Đây là ghi chép ở dạng sơ lược của mình. Thông tin trong bài cần thẩm định thêm.

Xem phần cũ hơn:

Nhữ diêu

Kiến diêu

1. ĐỊNH DIÊU (e. Ding ware, Ding kilns)

                 Định diêu 定窯 là dòng gốm sứ xuất hiện từ cuối đời Đường và mất đi vào thời Kim sang Nguyên, thuộc vùng Dingzhou (Định Châu 定州). Di tích lò hiện còn ở thôn Giản Tư 澗滋 và Yên Sơn 燕山, huyện Khúc Dương 曲陽, Hà Bắc 河北, Trung Quốc. Nổi tiếng bởi chất liệu men trắng ngà hay màu trắng kem, nhưng Định diêu cũng chế tác vài kiểu men khác, và dùng nhiều kỹ thuật khác nhau. Chủng loại gốm và sản lượng rất phong phú, bao gồm những sản phẩm thương mại chất lượng cao cho giới thương gia giàu có và tầng lớp sĩ phu, cũng như dòng sản phẩm cao cấp nhất cung tiến cho triều đình. Gốm sứ Định diêu đã đạt đến đỉnh cao vào thời Tống, bởi cả màu sắc tinh tế lẫn hình thức tao nhã. Thai cốt mỏng mảnh và nhẹ, chất đất bền cứng, thấu quang vừa phải, dòng bạch từ 白瓷 của Định diêu đã lừng danh. Ngoài bạch từ, Định diêu còn chế tác men đen, men tương cũng như men xanh, tương ứng gọi là Hắc định 黑定, Tử định 紫定, Lục định 綠定, hay men sắc vàng hạt dứu 褐釉. Từ một lò gốm dân gian, tới giữa thời Tống, với phẩm chất tinh túy, gốm Định diêu đã được chọn dùng trong cung đình với số lượng nhiều. Bạch định thời Kim vô cùng sắc sảo. Người ta tin rằng gốm Định diêu đã truyền cảm hứng cho những sản phẩm sứ Zingdezhen (Cảnh Đức Trấn 景德鎮) đầu tiên, và kiểu men bạch từ của Định diêu còn được phỏng chế bởi các lò gốm sứ muộn sau này thời Minh, Thanh. Các tư liệu Trung Quốc thường xếp Định diêu đứng đầu bảng trong Ngũ đại danh diêu thời Tống.

                 Các nhà sưu tập sau này có thói quen dùng chữ “bạch định” – mình hiểu là chữ viết gọn của  “bạch từ Định diêu” – để chỉ mọi loại gốm sành tráng men trắng hay sứ men trắng không có trang trí thêm màu khác. Cần lưu ý rằng Định diêu không chỉ dùng duy nhất loại men màu trắng, mà dùng phổ biến cả men vàng, men đen…  Mặt khác các món men trắng không hẳn chỉ xuất phát từ lò Định diêu, chẳng hạn thời Tống dòng Cát Châu diêu 吉州窯 (e. Jizhou ware) cũng có bạch từ, thời Minh – Thanh có dòng bạch từ vùng Đức Hóa – Phúc Kiến.

^ Bạch từ Định diêu thời Tống, hiện vật ở NPM

^ Bạch từ Định diêu thời Tống, hiện vật ở NPM

^ Bạch từ Định diêu thời Kim, hiện vật ở NPM

^ Gốm Định diêu thời Bắc Tống, hiện vật ở TNM

^ Gốm Cát châu diêu thời Nam Tống, hiện vật ở NPM

Loạt ghi chép sơ lược này tạm dừng tại đây, mặc dù có đến cỡ chục dòng gốm sứ Trung Quốc danh tiếng trước khi xuất hiện thanh hoa từ (men trắng vẽ xanh) thời Nguyên và các loại hình muộn hơn.

Vả lại trong mối quan tâm của riêng mình, lịch sử, văn hóa hay nghệ thuật Việt mới là vấn đề tạm coi như bản lai diện mục, chứ không phải những Ru, những Guan, những Jizhou, Cizhou, Yaozhou… Lò dò lòng vòng bên ngoài chẳng qua để nhìn rõ hơn phần nào vào dung mạo của mình, mà chẳng biết có thấy được không đây?

Kiến diêu – Gốm “Jian”

Đây là ghi chép ở dạng sơ lược của mình. Thông tin trong bài cần thẩm định thêm.

Xem phần cũ hơn: Nhữ diêu

9. KIẾN DIÊU (e. Jian ware, Jian kilns)

                Kiến diêu 建窯 là dòng gốm sứ cổ có từ thời nhà Đường, lò gốm thuộc phủ Kiến Ninh 建寧, Kiến An 建安, nay thuộc trấn Thủy Cát 水吉, Kiến Dương 建陽, Phúc Kiến 福建 Trung Quốc. Vào thời Tống – Nguyên, gốm của lò Kiến diêu đạt đến mức cực thịnh. Xương gốm mỏng, sắc men chủ yếu là màu đen, có khi điểm vàng, hay loang hình hạt trai, giọt nước. Cũng từ thời Tống, lò Kiến diêu nổi danh với các loại chén trà men lông thỏ (thố hào trản 兎毫盞). Các nhà sưu tập hay định danh dòng gốm này theo cách gọi của người Nhật là gốm tenmoku (thiên mục 天目). Thiên Mục (j. Tenmoku) vốn là tên ngọn núi ở ranh giới Zhejiang (Chiết Giang 浙江) và Anhui (An Huy 安徽) Trung Quốc. Tăng sĩ Nhật Bản Onkei Soyu (1286-1344), vốn tu học tại núi Thiên Mục Trung Quốc, được xem là có những  ghi chép sớm nhất về những chén uống trà được sử dụng tại Thiên Mục và gọi tên là tenmoku trong thư tịch Nhật Bản, vào khoảng năm 1335 (1). Thế kỷ 13, gốm Kiến diêu đã du nhập Nhật Bản theo chân giới tăng sĩ. Ngoài dạng men lông thỏ, gốm Kiến diêu còn có những sản phẩm diêu biến 窑变 (j. yohen) (mà hiện tại các bảo tàng Nhật Bản chỉ lưu giữ được tổng cộng 4 hiện vật, trong đó 3 món được xem như bảo vật) và men hình giọt dầu loang (du trích 油滴, j. yuteki) (1). Bảo tàng Cố cung Đài Loan cũng lưu giữ một số hiện vật. Nhiều nghệ nhân thời nay đã nỗ lực để tái hiện dòng men gốm này và trên thị trường lưu hành rất nhiều gốm phỏng chế, cả kiểu men lông thỏ, diêu biến và du trích.

Sau đây là hình ảnh vài món Kiến diêu, lưu giữ ở Bảo tàng quốc gia Tokyo Nhật Bản

^ Gốm men lông thỏ, thời Nam Tống

^ Gốm men lông thỏ, thời Nam Tống

^ Gốm men đen, thời Nam Tống

^ Gốm men du trích, thời Nam Tống

^ Gốm men du trích, thời Kim

Nguồn ảnh: http://webarchives.tnm.jp

Nhữ diêu – Gốm “Ru”

Đây là ghi chép ở dạng sơ lược của mình, lấy từ wikipedia và nguồn tư liệu hạn chế search được từ Internet, nhân đọc thấy tin giới sưu tập Tây, Tàu, Ta… vừa phát sốt khi một cái bát gốm “Ru” – tức của lò Nhữ diêu thời Tống được đấu giá hàng triệu đô. Không biết có ai soạn tủ đồ của mình rồi thấy những món y chang và có khi còn long lanh hơn. Dù những di sản văn hóa của nhân loại đều đáng được tôn vinh, ghi chép này chỉ đơn thuần là tư liệu, để hiểu và phân biệt, chẳng hạn giữa những dòng gốm của các lò danh tiếng Trung Hoa thời Tống – Nguyên…, rồi có thể để đối chiếu với gốm Việt trong giai đoạn tương đương, triều Lý – Trần (nếu mình có… mơ ước làm nghiên cứu). Tuy nhiên thông tin trong bài có thể sơ sót, cần được thẩm định.

2. NHỮ DIÊU (e. Ru ware, Ru kilns)

             Nhữ diêu 汝窑 là dòng gốm xuất phát vào thời Tống vãn kỳ từ vùng Nhữ Châu 汝州, nay thuộc tỉnh Hà Nam 河南 Trung Quốc. Đồ gốm Nhữ diêu được chế tác cho cung đình triều Tống sử dụng trong vòng 30 năm (1086-1106), khi gốm Định diêu không còn được trọng thị nữa. Gốm Nhữ là một trong Ngũ đại danh diêu thời Tống.

Nhà Kim diệt nhà Bắc Tống, lò Nhữ diêu cũng tiêu vong, nên ngày nay các món Nhữ diêu còn lại rất ít. Bảo tàng Cố cung Đài Loan lưu giữ được 21 hiện vật, Cố cung Bắc Kinh lưu giữ 17 hiện vật, Bảo tàng Thượng Hải 8 hiện vật, Percival David Foundation ở Anh lưu giữ 7 hiện vật, các bảo tàng khác ở Mỹ, Nhật và sưu tập tư nhân lưu giữ khoảng 10 hiện vật.

Các món đích Nhữ diêu thanh từ 青瓷, gồm men thiên thanh 天青 hay đậu thanh 豆青, trong men có chứa mã não, ánh sắc xanh ngọc phỉ thúy rực rỡ, men trong vắt như ngọc, được mệnh danh “vũ quá thiên thanh 雨过天青”. Đa phần những hiện vật dòng Nhữ diêu có kích thước nhỏ, ví dụ bát chỉ có đường kính 10-16cm, hiếm có cái lớn đến 20cm.

Sau đây là hình ảnh vài món đích Nhữ diêu lưu giữ tại Bảo tàng Cố cung Đài Loan.

Nguồn ảnh: http://antiquities.npm.gov.tw