Hoạ sĩ Nhà giáo Tạ Thúc Bình – Dung dị một hồn quê Kinh Bắc

Lần đầu tiên post bài khi mới lập blog này, mình đã tải lên đây một loạt ký hoạ của hoạ sĩ Tạ Thúc Bình (1917-1998). Mình hâm mộ, yêu thích lối vẽ đó đến mức hay lấy ký hoạ của ông làm ví dụ khi cần giới thiệu về hình ảnh những người nông dân, ngư dân, công nhân …, những người lao động Việt Nam bình dị và thân thuộc.

Cái “lỗi” của mình là còn chia sẻ cho các bạn sinh viên quen biết làm tư liệu, để rồi thỉnh thoảng bị cự là “phát tán” những hình ảnh đó có thể làm ảnh hưởng đến bút pháp hay cách nhìn hình – hình hoạ của các bạn.

Điều tích cực là có sự tiếp nối truyền thống, kế thừa những tiền bối…

Mình đọc được một đoạn hồi ký của nhà văn Nguyên Ngọc, thấy nhắc đến hoạ sĩ Tạ Thúc Bình rất trang trọng: “… Ở Nhã Nam, xã Tân Yên, có một ngọn đồi, nguyên xưa là đồi hoang, toàn sim dại, lau sậy, gọi là Đồi Cháy hay Cầu Đen. Hồi chống Pháp, một bộ phận Văn nghệ Trung ương được đưa về đóng ở đấy. Phát hoang, làm nhà, sinh sống và viết. Có cụ Ngô Tất Tố, họa sĩ Tạ Thúc Bình, Kim Lân, Nguyên Hồng… Chính họ là những vị tiên hiền đầu tiên lập ra cái ấp này, sau dân mới dần dần kéo lên ở ngày càng đông, thành làng, gọi là ấp Cầu Đen hay ấp Đồi Cháy. Cụ Tố mất ở đấy. …” (Có thể xem tại đây -> )

Những hoạ sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương thế hệ của Tạ Thúc Bình, khoá 15 (1941-1945), như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Huỳnh Văn Gấm, Phan Kế An, Mai Văn Hiến, Mai Văn Nam…, nhiều người tham gia Kháng chiến từ những ngày đầu của Cách mạng Tháng Tám, cùng với nhiều hoạ sĩ bậc đàn anh khác, có thể xem như là những tiên hiền của Mỹ thuật cách mạng Việt Nam.

Trong quá trình sáng tác, hoạ sĩ Tạ Thúc Bình đã để lại nhiều tác phẩm giá trị, và đạt được nhiều giải thưởng về Mỹ thuật. Là một nhà giáo mẫu mực, ông đã có nhiều công lao trong sự nghiệp đào tạo các thế hệ hoạ sĩ hậu sinh. Là người chồng người cha, người ông đầy trách nhiệm, ông đã cùng bà nuôi dưỡng một truyền thống, tình yêu trong gia đình từ những dung dị đời thường đến cái đẹp – mỹ thuật, và từ đó khơi mở cho sự thành công của các con, cháu, dâu rể… trên từng bước đường nghệ thuật.

Hoạ sĩ – Nhà giáo Tạ Thúc Bình đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Năm 2001, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 1.

Thư trai kết hợp làm… chòi câu cá

Hồi xưa đi học, Thầy có dạy bài “Lậu thất minh”. Ảnh sau là vở mình chép bài từ bảng (những chỗ sai hoàn toàn do lỗi của mình).

Nho gia ngày xưa viết bài minh, ý rằng nhờ cái đạo đức của ta mà nơi ở tuy quê mùa nhưng vẫn tỏa hương thơm.

Mong ước của mình cũng là sẽ đến lúc có một ngôi nhà nhỏ thô lậu quê mùa, ở ven rừng thông và bên hồ nước. Nhà thì chỉ cần nhỏ thôi, nhưng khu rừng và mặt nước (của mình) phải đủ lớn. Lỡ mơ rồi, cứ tưởng tượng.

Hậu sinh như bọn mình toàn phải bon chen với đời, biết chắc rằng đã và sẽ không được đắc đạo, chỉ cố để đừng vô đạo. Nên khi mơ cái nhà nhỏ nói trên thì mình luôn mơ kèm cái vườn hoa vào, chứ bạn gấu nhà mình suốt ngày chê mình… hôi. Hứ, cày cuốc vất vả bao năm, người không hôi mới lạ, thôi đành trồng hoa thêm quanh nhà cho bớt mùi.

Cái nhà nhỏ sau đây là mình thiết kế và làm cho chỗ anh em. Tuy cũng bên hồ nước nhưng chưa đủ phần thảm cỏ trải dài đến một cánh rừng. Vì đất chỉ nhiêu đó. Ha ha “lậu thất” của người ta chứ mình mơ thì vẫn chỉ là mơ thôi.

IMG_7275

IMG_7281

IMG_7350

Mình vốn là dân làm nghề thiết kế. Trong nghề mình, việc phác thảo ý tưởng rất quan trọng. Từ ý tưởng đến hiện thực còn một khoảng cách dài, và có nhiều thay đổi. Ví dụ ở mấy ảnh trên là một ý tưởng chỉ con con may mắn đã thành hiện thực. Mình hy vọng rằng tuy là “lậu thất”, nhưng ngôi nhà nhỏ này vẫn mang một nét gì riêng.

Phác thảo sơ bộ
Phác thảo sơ bộ

Đôi khi có tí thời gian, mình viết lách chút đỉnh về vài lĩnh vực khác mà mình bỏ công tìm hiểu. Nhiều lúc trái ngành. Mình không ngại chia sẻ những phần viết đó lên đây, hay nhiều nơi khác trên mạng Internet từ rất lâu trước đây, vì xem nó cũng như những phác thảo, những ý tưởng thô mộc. Có gì mà phải xấu hổ. Nghề của mình bắt mình cần luôn sẵn sàng nhiều ý tưởng và giải pháp. Tất nhiên hiệu quả đạt được đến đâu là vấn đề khác. Chia sẻ để hoàn thiện. Và có sẵn dự phòng.

Văn của mình (nếu gọi vui những cái mình viết là văn) nó hôi mùi vôi vữa riêng của nghề mình, hẳn nhiên. Lăn lộn công trường riết, mình cứ cẩn trọng và đường hoàng để làm việc thôi.