Nghệ thuật Angkor Khmer

Nguồn: http://www.autoriteapsara.org/en/angkor/art/styles.html

IMG_3156

Oct 18 2020: Tư liệu vốn được dẫn theo dự án APSARA (Authority for the Protection and Management of Angkor and the Region of Siem Reap – ban đầu đặt tên là Authority for the Protection and Safeguarding of Angkor and the Region of Angkor), website lập với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sĩ. Website tên này từ lâu đã thuộc sở hữu khác. Thông tin sau đây do Nguyên Hà dịch theo nguồn ấy, nay có thể có những điểm lạc hậu hay có tranh luận.

(Bayon – ảnh chụp bởi Nguyên Hà)

NHỮNG PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT ANGKOR

Những phong cách tiền Angkor   

* Phnom Da (514-600): những tác phẩm điêu khắc hiện tồn cho thấy ảnh hưởng của phong cách Ấn Độ trong hình thể. Di sản kiến trúc hầu như chẳng còn gì ngoài một số dấu tích xây gạch ở Angkor Borei (nghĩa là Cố Đô), có mối liên hệ với Phù Nam.

* Sambor Prei Kuk (600-650): giai đoạn này, Ấn Độ giáo chiếm vị trí nổi
bật, hình tượng Shiva và Vishnu được đề cao, có khi là hợp nhất dưới dạng thức Harihara. Xuất hiện kiến trúc điện thờ (prasat) ở Sambor Prei Kuk, mặt bằng có dạng bát giác, hình vuông hay chữ nhật. Kết cấu có cột, lanh-tô đá, trán tường, nhiều họa tiết trang trí.

* Prei Khmeng (635-700): Giai đoạn này có sự phát triển của Siva giáo và Phật giáo Đại thừa. Bi kí niên đại 791 tìm thấy ở Siam Reap có khắc hình Bồ tát Lokesvara – hình tượng chỉ có ở Phật giáo Đại thừa, minh chứng cho điều này.

         Kiến trúc hầu như không có dạng thức thay đổi đáng kể so với phong cách Sambor Prei Kuk trước đó.

* Prasat Andet (657-681): xuất hiện hình tượng thờ Linga, trong khi Phật giáo vẫn còn lưu truyền trong dân gian. Không có điểm đặc biệt nào về phong cách kiến trúc.

* Kompong Preah (706-800): xuất hiện hình tượng con người trong điêu khắc. Một số phù điêu (bas-relief) chạm khắc người xuất hiện với phong cách ảnh hưởng từ Java và Champa. Trong giai đoạn này, kiến trúc dạng đền núi (temple mountain) bắt đầu hình thành. Và nó đánh dấu cho sự chuyển tiếp sang phong cách Angkor sau đó.

         Các di tích chính là Kompong Preah, Trapeang Pong , Ak Yum. Ak
Yum được xem như là ngôi đền núi đầu tiên. Các bi kí tìm thấy tại đây ghi niên đại 609, 704 và 1001, thờ vị thần Gambhiresvara.

Những phong cách Angkor

* (Phnom) Kulen (802-875): Tôn giáo giai đoạn này là Ấn Độ giáo, thờ hình tượng Shiva, và hình tượng Thần-Vua (Cakravartin). Phong cách Kulen được xem là chuyển tiếp giữa Pre-Angkorian và Angkorian Styles. 

         Hình tượng điêu khắc giai đoạn này đã có những biến đổi. Tượng điêu khắc có khuôn mặt vuông, chân co chân duỗi với trọng lượng cơ thể dồn vào chân trái.

        Xuất hiện lần đầu tiên hình chiếc mũ miện, biểu tượng hoàng gia và cũng là biểu tượng cho phong cách Angkor.

* Preah Ko (875-895): Giai đoạn tiếp tục tín ngưỡng Ấn Độ giáo, Shiva giáo, củng cố tín ngưỡng thờ Thần-Vua.

         Trong điêu khắc bắt đầu xuất hiện những mảng phù điêu chạm khắc sâu, hình tượng Garuda-Naga.

         Kiến trúc gạch vẫn đóng vai trò chủ đạo. Tại Rolous, đền Bakong là kiến trúc đền núi bằng đá sa thạch đầu tiên trong lịch sử kiến trúc Khmer. Còn bản thân quần thể Preah Ko là cụm sáu tháp xây gạch vây quanh một terrace.

         Các di tích chính bao gồm Preah Ko, Bakong, Lolei.

* Bakheng (893-925): Giai đoạn này được đánh dấu bởi một sự kiện nổi bật trong lịch sử Khmer – Vua Yasovaraman (889-900) tìm ra vị trí đầu tiên để đặt kinh đô Angkor, với Phnom Bakheng là trung tâm.

         Tôn giáo giai đoạn này vẫn là Ấn Độ giáo, thờ Thần-Vua, thờ Tam vị (trimuti) Brahma – Shiva – Vishnu.

         Giai đoạn này cũng đánh dấu một bước tiến quan trọng trong sự phát triển nghệ thuật Khmer. Điêu khắc ngày càng hoàn mỹ và thoát khỏi những ảnh hưởng của các phong cách trước đó. Đặc trưng về điêu
khắc là các hoa văn hình học và chân phương,… Các chạm khắc sâu hơn và kỹ lưỡng. Có sự gia tăng đáng kể các điêu khắc đá sa thạch với sự kỹ lưỡng và chính xác phi thường.

         Kiến trúc kiểu đền núi được mở rộng hơn, như Phnom Bakheng, xây dựng ở trung tâm của ngọn núi tự nhiên.

         Các di tích chính bao gồm Phnom Bakheng, Phnom Krom, Phnom Bok.

* Koh Ker (921-945): Koh Ker cách trung tâm Angkor 100km về phía bắc, là kinh đô của vua Jayavarman IV.

         Tôn giáo là Ấn Độ giáo, Shiva giáo, thờ Linga.

         Điêu khắc cực kỳ tinh tế với bức phù điêu chạm trên gạch ở Prasat Kravan.

         Kiến trúc đền núi xuất hiện các nhà dài, mái lợp trên hệ khung gỗ làm phong phú thêm các hình thức tổ hợp kiến trúc. Kiến trúc hình kim tự tháp ở Koh Ker cao đến 30m.

         Các di tích chính là Koh Ker và Prasat Kravan.

* Pre Rup (944-967): Đánh dấu sự dời chuyển kinh đô về Angkor. Tôn giáo là Ấn Độ giáo, thờ Thần-Vua và bắt đầu phục hưng Phật giáo Đại thừa.

         Điêu khắc là sự phát triển thêm các trang trí mặt trước (tháp) và các trang trí riêng lẻ.

         Kiến trúc có sự cải tiến và cách tân từ các phong cách trước đó. Xuất hiện ngôi điện thờ Phật – Prasat Bat Chum.

         Các di tích chính gồm East Mebon, Pre Rup, Prasat Bat Chum.  

* Banteay Srei (967-1000): Ngôi đền được xây dựng bởi một vị phụ chính đại thần. Tôn giáo là Ấn Độ giáo và Shiva giáo.

         Điêu khắc là một tập hợp phong phú và chi tiết những cảnh sinh hoạt. Các lanh-tô theo phong cách Preah Ko trước đó, trong khi khuôn mặt các tượng mang phong cách Koh Ker, nhưng có nét thanh tú hơn. Chất liệu đá sa thạch đỏ được sử dụng nhiều.

         Kiến trúc được cất lên trên một bệ nền đắp nổi trang trí.

* Khleang (965-1010): Tôn giáo là Ấn Độ giáo và Phật giáo. Có chút thay đổi đáng kể về phong cách điêu khắc: giản lược hóa, trong khi kiến trúc tương đồng với Banteay Srei trước đó.

         Các di tích chính gồm Khleang, Takeo, tường bao ngoài và sảnh đường Royal Palace ở Angkor Thom.

* Baphuon (1010-1080): Tôn giáo vẫn là Ấn Độ giáo, thờ Shiva, Phật giáo được khoan dung.

         Điêu khắc giai đoạn này có những bước tiến sâu sắc, đạt đến hài hòa và việc tìm kiếm đạt đến sự viên mãn (perfection) là đặc trưng chủ đạo. Ví dụ tượng đồng Vishnu nằm là một trong những kiệt tác của nghệ thuật Khmer.

         Cảm xúc về tất cả những phong cách trước đó đều có thể thấy trên kiến trúc ở Baphuon.

* Angkor Vat (1100-1175): Phong cách này cho thấy sự phát triển tuyệt đỉnh của nghệ thuật cổ điển Khmer, sự tinh tế, hài hòa trong vật liệu , sự cân bằng, cái nhìn khoa học, … Kế thừa các phong cách trước đó một cách sáng tạo và đa dạng, đưa đến một tính biểu tượng mới và ý nghĩa to lớn cho phong cách này.

         Tôn giáo là Ấn Độ giáo, và hầu như thiên về Vishnu giáo dưới triều vua Suryavarman II.

         Các tượng của phong cách Angkor Vat hầu như đoạn tuyệt với sự duyên dáng của các phong cách trước đó, với sự quay trở
lại của những tư thế có phần cứng nhắc.

         Các di tích chính gồm Angkor Vat, Beng Mealea, Banteay Samre, Thommanon, Chao Say Thevoda, Vat Phu (Lào), Phimai (Thái Lan), Phnom Chiso Preah Vihear.


(Phù điêu đền Angkor Vat, mô tả sử thi, cảnh trận đánh ở Lanka – ảnh chụp bởi Nguyên Hà)

* Bayon (1180-1230): Giai đoạn thịnh trị của Phật giáo (Đại thừa). Nghệ thuật Phật giáo đạt đến đỉnh cao của nó, trong khi những triết lý của Ấn Độ giáo vẫn song song tồn tại. Phong cách này thật hoành tráng, mà về thẩm mỹ lại cho thấy sự gọn gàng của vẻ đẹp quay trở lại xu hướng hiện thực.

         Về điêu khắc, các hình tượng có thêm nhiều biến đổi, tính biểu tượng gia tăng và lần đầu tiên xuất hiện những phù điêu mô tả các cảnh sinh hoạt đời sống đương thời. Trước đó, cho đến cuối thế kỷ 12, nghệ thuật Khmer hầu như thiên về miêu tả chân dung.

         Kiến trúc giai đoạn này đánh dấu bởi việc xây dựng những quần thể đền đài kỳ vỹ, thể hiện sự phức tạp ngày càng gia tăng và được mở rộng không ngừng. Ở buổi đầu của giai đoạn phát triển thứ hai của phong cách này, các đại lộ với hai hàng tượng thần dọc hai bên đã tạo nên lối vào cho các đền đài cũng như kinh đô Angkor Thom. Cổng vào và các tòa tháp liên kết được chạm hình những mặt người. Bayon hiện còn giữ được tòa tháp trung tâm dạng tròn duy nhất và một rừng tháp vây quanh, 54 ngọn tháp mang những hình khuôn mặt mỉm cười nhân từ. Những công trình cuối cùng của giai đoạn này vô cùng phức tạp, và cấu trúc của nó hầu như chưa được hiểu rõ.

         Các di tích chính là Banteay Kdei, Ta Prohm, Neak Poan, Ta Nei, Ta Som, Preah Khan, Krol Ko, Banteay Chhmar, Angkor Thom, Bayon.

Những phong cách hậu Angkor:                                                                                  

         Với sự sụp đổ của vai trò thống lĩnh và quyền lực trung tâm tại Angkor, quá trình chuyển tiếp giữa nghệ thuật Angkor và hậu Angkor có thể giải thích do nguyên nhân từ các xung đột quân sự, sự thay đổi các thể chế chính trị, quá trình di trú kéo theo việc thiếu vắng các nguyên liệu cổ điển (gỗ đã được dùng để thay thế cho đá) và sự thiếu vắng các thợ thủ công lành nghề.

         Việc chấp nhận ảnh hưởng và chuyển sang Phật giáo Tiểu thừa đã kéo theo sự thay đổi sâu sắc trong toàn bộ nền nghệ thuật Khmer. Những ảnh hưởng Siam từ vương quốc Ayuthaya, cũng như những ảnh hưởng từ Champa, hầu như là rõ ràng. Các kiểu thức kiến trúc mới được dựng lên, điêu khắc tuân thủ theo những qui ước mới, các di tích cũ thường
bị thay đổi. Những ảnh hưởng to lớn và đáng kể nhất của phong cách nghệ thuật thời Jayavarman VII chỉ còn được lặp lại với bóng dáng gò bó đầy khiêm nhường trong điêu khắc…

         Tuy vậy, dẫu sao nghệ thuật Khmer vẫn cho thấy một phong cách nhất quán.